Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Tìm hiểu tục "kéo vợ" của người Mông ở Hà Giang

Hà Giang là điểm đến lý tưởng cho những ai thích tìm hiểu về các phong tục tập quản của các dân tộc thiểu số.Hãy cùng Công Ty Du Lịch Đặc Trưng Việt tìm hiểu tục "Kéo vợ" - nét văn hóa riêng, độc đáo của người Mông huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang.
Khi đôi trai gái đã ưng ý và thề nguyền đi đến hôn nhân thì họ sẽ về báo cáo với bố mẹ và dòng họ. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì nhà trai sẽ tiến hành mời ông mối sang nhà gái đánh tiếng dạm hỏi, rồi tiến tới lễ ăn hỏi (hẹn cưới) và cuối cùng là lễ cưới ( đón dâu). Đám cưới của người Mông thường được tổ chức linh đình vào mùa xuân bởi người ta cho rằng mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở mà con người không nằm ngoài quy luật đó của tạo hóa. Người ta rất kiêng làm đám cưới vào những tháng có sấm sét (mùa hạ).  
Trong thực tế có rất nhiều đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại không được một hoặc cả hai bên cha mẹ đồng ý (chủ yếu là cha mẹ người con gái). Khi cha mẹ đã không đồng ý mà đôi trái gái khác tự tìm đến sống với nhau thì không những bị coi là bất hiếu mà cuộc hôn nhân đó còn không được cộng đồng chấp nhận. Thế nên tục “kéo vợ” có thể được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Đôi trai gái đó sẽ nhờ cậy những ông chú, bà thím, bà cô, ông cậu, anh em, bạn bè... làm nội ứng, thống nhất kế hoạch “kéo dâu”, hợp lý hoá cuộc hôn nhân. Mọi chuyện được tính toán trong bí mật, gia đình nhà gái không hề hay biết, cô gái vẫn ngày ngày đi nương, lấy củi, địu nước như thường. Rồi một ngày như đã hẹn... chàng trai xuất hiện. Hai người đang tâm sự thì bạn bè của chàng trai xuất hiện và giúp chàng trai kéo cô gái về nhà mình. Cô gái dù biết trước mọi chuyện vẫn cảm thấy bất ngờ, kêu toáng lên. Không những thế cô gái phải giả vờ kêu cứu, khóc lóc để mọi người nhà mình biết đến cứu. Người ta cho rằng người con gái bị kéo về làm vợ mà không khóc lóc, kêu la thì đó là đồ con gái rẻ rúng và hư hỏng, bị gia đình và làng xóm coi khinh. Khi người nhà gái mang gậy gộc đến cứu cô gái thì các bạn của chàng trai sẽ xông ra đỡ đòn (theo luật lệ của người Mông là đã đi “kéo vợ” thì nhà trai không được phép đánh lại nhà gái) để chàng trai mang cô gái về nhà.
Sau khi gia đình chàng trai mang gà ra làm lễ quét phép, cô gái mới được đưa vào nhà. Người Mông quan niệm: con gái đã bị người ta dùng gà trống làm lễ nhập nhà rồi thì có bỏ về bố mẹ đẻ cũng không thể chấp nhận được vì cô ta đã trở thành người của nhà khác, khi chết cũng là ma nhà khác rồi. Chính vì vậy, khi biết con gái mình đã bị người ta kéo về làm vợ thì dù có không đồng ý, có ấm ức thì đa phần nhà gái cũng đành đồng ý. Tuy nhiên, nếu cứ theo thủ tục thông thường thì khi đi ăn hỏi, hai bên có thể thỏa thuận về khoản lễ cưới nhưng nếu nhà trai dùng tục “kéo vợ” thì nhà gái sẽ ít khi thông cảm và thường phạt bằng cách đòi lễ cao hơn bình thường.
Khi đã chấp nhận dùng tục “kéo vợ” thì nhà trai phải xác định ngay là sẽ bị nhà gái phạt. Và khi nhà gái đòi bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu để tránh sự chê cười của làng xóm. Chính vì những lệ này mà không phải gia đình nào cũng có thể dùng tục “kéo vợ” cho con trai. Những gia đình muốn dùng tục “kéo vợ” thường phải là những gia đình, dòng họ tương đối khá giả thì mới có thể đáp ứng nhu cầu khi nhà gái phạt. Bởi có không ít gia đình phải mất vài ba năm mới có thể trả hết lệ phạt mà nhà gái đặt ra.
Ngày nay, cũng như nhiều dân tộc khác, người Mông luôn trọng chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và quan niệm cái đẹp lứa đôi là khỏe mạnh, đạo đức và chăm chỉ. Hôn nhân là kết quả của tình yêu tự nguyện, các cuộc “kéo vợ” giờ đây chỉ là sự khẳng định cho tình yêu mãnh liệt, khát vọng về một gia đình hạnh phúc của trai gái người Mông mà thôi.
Có  thể  nói, người Mông có rất nhiều tục lệ với những ràng buộc khắt khe, song bên trong đó đều chứa đựng các yếu tố nhân văn rất tình người, được xử lý linh hoạt trên cơ sở đoàn kết yêu thương. Nó chính là nhân lõi để giữ gìn sự gắn bó của cộng đồng và bảo lưu các giá trị văn hóa của họ.

Công ty Du Lịch đặc Trưng Việt
Điện thọai: (+84) 984 326 723 – (+84) 974 861 652
Email: vietnamtypicaltour@gmail.com
Website: http://vietnamtypicaltours.com
http://dulichlangqueviet.com

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Huyền thoại núi Đôi Quản Bạ

Du khách khi đến với Hà Giang thường dừng lại trên đường vào thị trấn Quản Bạ, ngắm nhìn tòa thiên nhiên căng tròn phía xa với ánh mắt trầm trồ.
Con đường quốc lộ 4C bắt đầu hẹp dần từ Hà Giang, sau 40 km chạy xuyên qua những cánh đồng, dọc theo sông và vượt dốc Khi đến khúc ngoặt đầu tiên rẽ vào Tam Sơn (Quản Bạ), du khách ai nấy đều dừng lại vì khung cảnh thiên nhiên phía trước mặt.
Dưới thung lũng xa xa, nơi có thị trấn Tam Sơn sầm uất nhất Hà Giang, những cánh đồng lúa xanh rì gợn sóng. Nổi bật giữa núi đồi núi Đôi mang dáng hình cặp nhũ hoa quyến rũ và cân đối. Mỗi mùa qua đi, núi Đôi lại được khoác một màu sắc khác nhau. Hè sang lúa xanh rì, thu tới vàng ươm màu mật ngọt, đông về nâu sắc và xuân tới hồng màu đất. Đôi gò bồng đảo tự nhiên tràn đầy nhựa sống này còn có có tên là núi Cô Tiên.
Núi Đôi gắn với nhiều câu chuyện truyền thuyết được đồng bào các dân tộc nơi đây lưu truyền từ đời này sang đời khác. Truyện kể rằng xưa kia, ở vùng đất này có một chàng trai người H’mông tuấn tú, có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt đã níu giữ trái tim của một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào. Phải lòng chàng nên nàng tìm cách ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh.
Ngọc Hoàng phát hiện ra chuyện Hoa Đào bỏ trốn xuống trần gian đã vô cùng giận dữ, sai người đi bắt nàng về. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ hoa của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ.
Hai quả núi đó được gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên. Nhờ dòng sữa của nàng, vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, hoa quả thơm ngon, rau trái xanh tươi, lúa ngô tươi tốt. Nước mắt khóc thương chồng con của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng trôi trên biển đá tai mèo, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.
Một câu chuyện khác kể về một chàng trai khổng lồ đem lòng yêu người con gái xinh đẹp nơi đây. Mặc dù ở tận nơi xa, nhưng chàng trai luôn vượt non cao, suối sâu để đến với người yêu. Gia đình người con gái thách rằng, nếu chàng trai ngăn được sông Đông Hà chảy ngược vào thung lũng nơi gia đình cô gái ở (ngày nay là thị trấn Tam Sơn) thì gia đình sẽ chấp nhận chàng làm con rể.
Chàng khổng lồ ngày đêm gánh những quả núi về để đắp dòng chảy ngăn sông Đông Hà về thung lũng. Vào một ngày, đang miệt mài gánh đất để ngăn sông, chàng trai nhận được tin mẹ mất. Quá đột ngột và đau khổ, quang gánh của chàng khổng lồ va vào dãy núi cao bị gãy, vội vã chàng chạy về quê chịu tang mẹ. Người con gái chung thủy đã mỏi mòn chờ đợi người yêu, ngả lưng nơi gần chiếc đòn gánh của người yêu. Chờ đợi quá lâu đến nỗi nàng đã hóa thân thành núi để mãi mãi đợi chờ người yêu.
Đòn gánh của chàng khổng lồ bị gãy hóa thành dãy núi đòn gánh ông khổng lồ, tiếng địa phương gọi là dãy núi "Phia Pới". Bước chân chạy vội vã của chàng khổng lồ tạo thành 9 cái hồ nước sâu ở các làng là: Sum Pưn, Thâm Rí, Thâm Lâu, Thâm Nán, Thâm Nậm Đăm, Thâm Lùng Pết... Còn người con gái hóa thân thành núi chờ đợi người yêu, ngày nay vẫn còn đó Núi Đôi, hiện thân bộ ngực căng tròn của người con gái.
Dù là câu chuyện tình yêu nào, cuối cùng trên mảnh đất Quản Bạ vẫn vẹn nguyên cặp núi Đôi, là thắng cảnh vào đất Hà Giang, mảnh đất cao nguyên đá nơi địa đầu Tổ quốc.

Công ty Du Lịch đặc Trưng Việt
Điện thọai: (+84) 984 326 723 – (+84) 974 861 652
Email: vietnamtypicaltour@gmail.com
Website: http://vietnamtypicaltours.com
http://dulichlangqueviet.com